Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Người không có bảo hiểm y tế sẽ gặp khó khi giá dịch vụ y tế tăng

18/09/2017 10:01:42 Xem cỡ chữ Google
YBĐT - Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT, từ ngày 1/6/2017, hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và một số dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT sẽ chính thức được áp dụng giá viện phí mới.

Có thẻ BHYT, người dân sẽ giảm bớt chi phí khi đi khám, chữa bệnh. Trong ảnh: Người dân khám bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.

Theo đó, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, bao gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Trong 3 nhóm dịch vụ này, cả hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2-4 lần so với giá hiện tại.

Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo Thông tư này, bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và tại phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt. Tương tự, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại bệnh viện hạng 1 là 632.200 đồng; bệnh viện hạng 2 là 568.900 đồng.

Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là 335.900 đồng/ngày, 279.100 đồng/ngày; tại bệnh viện hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và bệnh viện hạng 4 là 226.000 đồng/ngày… Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm.

Trong khi người có thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng thì bệnh nhân không có thẻ BHYT khi khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Như vậy, khoản tiền người khám, chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ rất cao.

Tại tỉnh Yên Bái, hiện tại người không có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh vẫn được tính mức giá cũ. Dự kiến đến cuối năm 2017, tỉnh Yên Bái mới áp dụng giá dịch vụ y tế mới đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 89% dân số tham gia BHYT, như vậy vẫn còn trên 10% dân số chưa tham gia.

Theo thống kê, đa số những người chưa mua BHYT là nông dân và lao động tự do. Cách đây hơn một tháng, anh Nguyễn Văn Thế ở xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe: tức ngực, khó thở và chóng mặt. Anh phải điều trị hơn 1 tuần tại Khoa Nội A - B của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Do không có thẻ BHYT nên số tiền sau khi ra viện anh Thế phải thanh toán là gần 3 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ đối với những người dân xã vùng 2 còn nhiều khó khăn như Lương Thịnh. Anh Nguyễn Văn Thế tâm sự: "Chúng tôi ở nông thôn làm ruộng, từ bé chưa phải nằm viện bao giờ. Vừa rồi nằm viện hơn một tuần mới thấy không có BHYT quá thiệt thòi, chi phí quá lớn”.

Có lẽ trong số gần 10% dân số trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa tham gia BHYT cũng có chung lý do như anh Thế, họ không nghĩ rằng một ngày nào đó lỡ ốm đau, bệnh tật phải nằm viện và phải tự thanh toán chi phí khám chữa bệnh có khi lên đến vài triệu đồng, vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Trung bình mỗi ngày Khoa Nội A - B của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái tiếp nhận từ 20 - 30 bệnh nhân. Các bệnh nhân vào Khoa thường trong tình trạng nặng và mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, hô hấp phải cấp cứu và nằm điều trị dài ngày. Do đó nếu không có thẻ BHYT chi phí điều trị của bệnh nhân là rất cao nhất là khi Thông tư 02 của Bộ y tế được áp dụng trong thời gian tới đây.


Như vậy, việc tăng giá viện phí lần này có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến  nhóm đối tượng chưa có thẻ BHYT. Để tạo điều kiện cho mọi người dân đều có thể tham gia BHYT, chính sách BHYT ngày càng có nhiều ưu đãi.

Chẳng hạn việc mua thẻ BHYT được tiến hành theo hộ gia đình, được thực hiện như sau: người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở (tương đương 702.000 đồng); người thứ hai bằng 70% mức đóng của người thứ nhất (tương đương 491.400 đồng); người thứ ba bằng 60% mức đóng của người thứ nhất (tương đương 421.200 đồng); người thứ tư bằng 50% mức đóng của người thứ nhất (tương đương 351.000 đồng); từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (tương đương 280.800 đồng). Như vậy, nếu hộ gia đình có 05 người tham gia BHYT, mức đóng bình quân là 449.280 đồng/người.

Như vậy, có thể thấy số tiền tham gia BHYT không phải là quá lớn, trong khi lợi ích mang lại rất cao. Bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng, giảm gánh lo âu trong quá trình khám, chữa bệnh. Có thẻ BHYT người bệnh hoàn toàn yên tâm khi đau ốm, kể cả khi mức giá thu các dịch vụ khám chữa bệnh tăng. Đặc biệt, BHYT luôn là điểm tựa chắc chắn cho người nghèo, người bệnh nặng, khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h