Gia đình - Xã hội >> Văn hóa - Xã hội

Kỳ 3: Sinh kế cho đồng bào vùng lũ

14/08/2018 02:30:52 Xem cỡ chữ Google
Ngược xuôi các xã vùng cao Văn Chấn, trong đầu chúng tôi cứ xoay vần câu hỏi: Người dân mất nhà rồi sẽ ở đâu? Họ sẽ làm gì để tiếp tục cuộc sống vốn chẳng dễ dàng nơi miền sơn cước!?

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà thăm hỏi, chia sẻ bà con vùng lũ Ảnh: Chí Tuấn

“Còn người còn của!”

Chủ tịch UBND huyện Mai Mộng Tuân cho biết, Văn Chấn có ba loại địa hình rõ rệt. Vùng thấp như Minh An, Bình Tâm, Cát Thịnh… và vùng trung du gồm Phúc Sơn, Nậm Lành, Phù Nham… dường như năm nào thiên tai cũng ghé thăm. Còn vùng cao thuộc các xã An Lương, Suối Quyền, Nậm Mười thì 50 năm nay yên bình, nhưng thời tiết vài ba năm nay có dấu hiệu cực đoan, khó lường. Bởi vậy, tâm lý lo lắng của người dân là khó tránh khỏi.

Trong đỉnh cao lũ quét, hộ gia đình trẻ Triệu Tuấn Sơn - Lý Thị Chỉ ở thôn Thẳm Có, xã Suối Quyền bị trôi mất nhà cửa. Đây cũng là 1 trong 350 hộ huyện xác định phải bố trí ngay nơi ở sau khi chiến dịch khắc phục hậu quả mưa lũ cơ bản ổn định. Nhờ “biên chế” trong đội thợ xây của dự án thủy điện Văn Chấn mà Sơn đã tích cóp được ít vốn về mở quầy tạp hóa nhỏ cho vợ quán xuyến. Khi lũ quét qua, Sơn đang làm phụ hồ dưới xã Phúc Sơn, gần thị xã Nghĩa Lộ. Nghe Trưởng thôn hô hoán, Chỉ chỉ kịp ôm cậu con trai 9 tháng tuổi thoát khỏi tiệm tạp hóa, lao sang nhà Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bùi Thị Yên cách đó 50m. Hiện xã đã bố trí cho gia đình tá túc tạm ở Nhà văn hóa thôn, vốn là 2 căn nhà bằng gỗ ghép lại. 

Song song với khắc phục hạ tầng và an sinh xã hội, Văn Chấn đã nghiên cứu phương án bố trí ngay quỹ đất tái định cư tại chỗ. Trên thực tế, việc tái định cư đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng do số lượng người dân nằm trong vùng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ngày càng tăng nên quỹ đất trở nên khó khăn. Vấn đề này đã vượt thẩm quyền của địa phương.

“Ước tính 5 xã vùng cao của huyện (Sơn Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, An Lương, Suối Quyền) có 90 nhà bị trôi, sập hoàn toàn; 90 nhà bị hư hỏng nặng và trên 300 nhà thuộc diện phải di dời đến nơi ở hoàn toàn mới, an toàn hơn. Phòng TN - MT đã chia thành 4 tổ, “quần thảo” từng mét đất trong toàn huyện để rà soát, tập trung thực hiện việc bố trí đất ở, ổn định đời sống cho bà con. Có 2 hình thức tái định cư là xen ghép, nhường đất cho các hộ dân bị di chuyển và bố trí tái định cư tập trung”, Chủ tịch UBND huyện Mai Mộng Tuân cho hay. Hiện các xã đã hoàn tất giao đất tái định cư đợt 1 cho 155 hộ thuộc các đối tượng nhà bị trôi sập hoàn toàn và các hộ phải di dời khẩn cấp.

Theo tìm hiểu, đa số hộ cần bố trí nơi ở mới, làm lại nhà đều là các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn và tài sản mất hết. Nếu không có sự hỗ trợ, đặc biệt là sự chung tay của cộng đồng, của chính quyền địa phương thì sẽ rất khó khăn trong việc làm lại nhà ở.

Nhanh chóng phục hồi sản xuất

 

Ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, ước trên 440 tỷ đồng. Đặc biệt có 5 xã vùng cao của huyện (Sơn Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, An Lương, Suối Quyền) đã xảy ra lũ ống, lũ quét làm 8 người chết, giao thông bị chia cắt nghiêm trọng, hệ thống thủy lợi bị phá hủy. Toàn huyện có 86 nhà bị trôi, sập hoàn toàn; 88 nhà bị hư hỏng nặng và trên 300 nhà dân phải di dời đến nơi ở an toàn…

Trong chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có nhấn mạnh cụm từ “sinh kế” và “phục hồi sản xuất”. Thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu không theo quy luật đặt ra thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp của Yên Bái. Như trường hợp vợ chồng Sơn - Chỉ, hôm chúng tôi đến, Sơn đang đi thăm ruộng. Cơ hội để khôi phục mảnh ruộng bị đất đá vùi lấp là không cao, và đặc biệt còn phải chờ ngành nông nghiệp huyện kết luận. Nhưng Sơn sốt ruột, vẫn phải lên ruộng ngay. Xúc động nhất là tâm sự của Chỉ: “Điều đầu tiên chồng em nói khi về nhà là hai mẹ con an toàn là may rồi! Của cải mất sẽ làm sau, còn người thì còn của”, chị Chỉ nói.  

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện cho thấy, đối với diện tích trên 300ha lúa có thể khôi phục thì thực hiện các biện pháp khôi phục, đồng thời sửa chữa hệ thống thủy lợi để tái sản xuất ngay. Đối với diện tích 600ha lúa, ngô bị thiệt hại không thể khắc phục được, cần chuyển đổi ngay sang trồng ngô và cây rau màu khác, nhằm bảo đảm an ninh lương thực cho bà con. Huyện đã cấp 4 tấn ngô giống để hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Song song đó là kế hoạch chuyển đổi nghề nghiệp cho những lao động đã mất tư liệu sản xuất. Đây tiếp tục là một việc lớn mà một mình huyện Văn Chấn khó có thể cáng đáng được.

Ảnh: Chí Tuấn
Ảnh: Chí Tuấn

Trưởng phòng NN - PTNT huyện Nguyễn Văn Toản chia sẻ, thiệt hại lần này không dễ khắc phục trong một sớm, một chiều. Ngay sau bão lũ, các đơn vị chuyên môn chủ động bám sát ngay cơ sở, phối hợp với các địa phương hướng dẫn nhân dân các biện pháp kỹ thuật để khôi phục sản xuất. Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi chuẩn bị đầy đủ 100 tấn giống lúa, ngô và vật nuôi đáp ứng nhu cầu cho nông dân; phối hợp với các địa phương rà soát các hệ thống tưới tiêu, hồ đập và có các phương án tiêu úng bảo đảm an toàn.

Nhưng theo ông Toản, hiện Văn Chấn lo lắng nhất là hàng trăm hecta quế, phần lớn đang trong độ tuổi thu hoạch của đồng bào người Dao tập trung chủ yếu ở các xã bị nặng nhất như Nậm Lành, An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười, Suối Quyền… Trung bình mỗi hecta quế từ 10 năm tuổi trở lên mang lại thu nhập từ 400 đến 500 triệu cho người dân mỗi năm, thiệt hại cho nhân dân là không hề nhỏ. Như ở thôn Vàng Ngần có trên 200ha quế, chia bình quân cho 92 hộ thì gia đình nào cũng trồng, ít thì 1 - 2ha, nhiều thì gần 10ha. Thông tin thêm để thấy cây quế đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân và là đối tượng đang được ngành nông nghiệp quan tâm khắc phục đầu tiên.

Theo daibieunhandan.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h