27/1/2021 - ngày làm việc thứ ba của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội làm việc tại hội trường, thảo luận các dự thảo văn kiện. Chiều cùng ngày, đại biểu Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã trình bày tham luận "Quan tâm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội". Báo Phụ nữ Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả toàn văn tham luận.
Chủ tịch Hội LHPN VIệt Nam Hà Thị Nga phát biểu tham luận tại Đại hội XIII của Đảng chiều 27/1. Ảnh: Phương Hoa
Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội, kính thưa Đại hội!
Trước hết, thay mặt Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo chính trị và các văn kiện của BCH Trung ương Đảng khóa XII trình tại đại hội, đồng thời thể hiện sự vui mừng khi phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới thể hiện rõ quan điểm đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội nhằm bảo vệ quyền của mỗi người dân. Điều đó khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị xã hội và sự phát triển ổn định của đất nước.
Để góp phần làm rõ hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới, với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức phụ nữ, Hội LHPNVN xin được trình bày làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở đối với lực lượng lao động nữ di cư
Nhà ở cho người dân luôn là một mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, đến nay hầu hết các hộ dân cư đã có nhà để ở. Bên cạnh việc ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có cơ hội được sở hữu nhà ở.
Di cư lao động là xu hướng tất yếu hiện nay, gắn với phát triển và có vai trò nhất định đối với kinh tế - xã hội, nhất là trong việc phân bổ lại nguồn lực lao động quốc gia. Tuy nhiên, từ góc độ an sinh xã hội, đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với những lao động di cư từ nông thôn ra thành thị. Kết quả điều tra cho thấy, 13,6% dân số cả nước là người di cư. Trong đó, nữ giới chiếm 55,5%. Hầu hết họ di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, đến thành phố làm các công việc ở khu vực phi chính thức.
Đặc biệt, với những người lao động di cư, nhà ở là vấn đề hết sức bức thiết. Theo một thống kê, khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp; số công nhân được ở trong các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ rất thấp.
Để đảm bảo quyền có nơi ở, chỗ ở cho mọi người dân, Nhà nước cần tiếp tục coi trọng vấn đề nhà ở là phúc lợi của người dân để có chính sách đầu tư thỏa đáng, từng bước giải quyết về vấn đề nhà ở cho người dân, trong đó có lực lượng lao động di cư. Đồng thời tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ công về giáo dục, y tế cho con em và gia đình phụ nữ khó khăn, lao động nữ di cư.
Về mặt nhận thức, phải coi di cư lao động là vấn đề phát triển, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương cần tính tới dân số di cư để có thể đảm bảo các chính sách cho phù hợp.
Thứ hai, việc đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ khi mang thai, sinh con
Việt Nam được LHQ đánh giá hoàn thành sớm hơn 10 năm trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số; 100% người nghèo, người DTTS có thẻ khám chữa bệnh miễn phí; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ hưởng cao và thời gian nghỉ dài nhất trong khu vực, quyền lợi tương đối rộng. Tuy nhiên, điều đáng nói là diện bao phủ của chế độ thai sản thấp. Thực tế cho thấy, phần lớn phụ nữ không tham gia bảo hiểm y tế do không tham gia lực lượng lao động, là người làm công ăn lương không chính thức hoặc làm công không hưởng lương.
Đặc biệt, trong số hơn 65% dân cư nước ta sống ở nông thôn, trong đó khoảng 48,5% là lao động nữ. Họ có mặt ở hầu hết các công việc của quá trình sản xuất, chế biến, kể cả những công việc nặng nhọc và độc hại... ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ, nhất là sức khoẻ sinh sản nhưng họ hầu như chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ các chế độ thai sản.
Thưa đại hội!
Hiện nay các chính sách liên quan đến mang thai, nuôi con nhỏ chưa vươn tới được đối tượng phụ nữ nông thôn đang làm việc ở các khu vực phi chính thức, không hưởng lương. Mặc dù hệ thống dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế cho người dân nông thôn nói chung, phụ nữ nông thôn nói riêng những năm gần đây đã được cải thiện, nhưng nhiều nơi còn thiếu thốn, thời gian nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng của phụ nữ trước và sau khi sinh chưa được quan tâm đúng mức khiến cho sức khoẻ người mẹ và trẻ sơ sinh chưa được đảm bảo.
Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc bản thân khi mang thai, sinh con, tham gia bảo hiểm y tế và đề xuất chính sách cho phụ nữ. Năm 2006, Hội đã chủ trì đề xuất xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng Giới, trong đó có 2 khoản quy định về vấn đề thai sản của phụ nữ. Sau khi có Luật, Hội tiếp tục đề xuất Chính phủ đã ban hành Nghị định để luật được thực thi hiệu quả.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP về hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách. Qua đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định cho thấy diện được thụ hưởng chính sách này chưa nhiều.
Thiết nghĩ, việc bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ mang thai, sinh con, đặc biệt là đối với những người chưa được hưởng chính sách bảo hiểm là vấn đề cần quan tâm theo hướng đảm bảo cho phụ nữ có cơ hội, điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là hỗ trợ chế độ thai sản cho phụ nữ.
Hội LHPN Việt Nam trân trọng đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 39 để có hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, giúp mọi phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số đều được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, việc đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ
Thưa Đại hội!
Để chăm lo cho trẻ em - tương lai của đất nước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay chỉ có 28% trẻ em trong nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường, nguyên nhân có nhiều, trong đó không có nơi để gửi con là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất đông lao động nhập cư, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. Hơn một nửa số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục. Ðiều đáng nói là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Từ năm 2015, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020". Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu chính đáng của nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.
Không chỉ ở các khu công nghiệp, không chỉ đối với các gia đình di cư lao động, việc gửi con trẻ ở đâu, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi còn là mối quan tâm chung của rất nhiều gia đình công chức, viên chức ở thành thị... Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần quan tâm thỏa đáng hơn nữa đến vấn đề này.
Thứ tư, việc đảm bảo an sinh xã hội tạo cơ hội có việc làm cho phụ nữ
Thưa Đại hội!
Chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra nhiều thách thức cho lao động nữ Việt Nam. Theo báo cáo năm 2019, còn khoảng 79,5% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Đây là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Những vấn đề đó đã tác động rất nhiều đến cuộc sống gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp đối với lao động nữ.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách để đảm bảo nghề cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng qua các chương trình, đề án. Tuy nhiên, các đề án này có thời gian đào tạo ngắn, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, nội dung đào tạo tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mang tính giản đơn, chưa tạo ra thay đổi căn bản để người lao động thích ứng với tình hình mới.
Do vậy, để giúp lao động nữ có cơ hội việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, có các chính sách cho phụ nưc, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường.
Thưa Đại hội!
Có thể nói, tình hình mới đang tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức cho phụ nữ. Những thách thức ấy, nếu được quan tâm giải quyết sẽ tác động tích cực đến việc cải thiện điều kiện của người phụ nữ trong vai trò người mẹ, người lao động và người công dân.
Thưa Đại hội!
Qua nghiên cứu và từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, thay mặt cho phụ nữ cả nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, cần coi đây là nền tảng phúc lợi, là ưu việt mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại cho mỗi người dân để từng bước quan tâm giải quyết.
Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam biểu thị sự quyết tâm và tiếp tục nỗ lực phối hợp các bộ, ngành chức năng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình, các chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Xin một lần nữa trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đao Đảng, Nhà nước, các đại biểu dự Đại hội lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc. Xin chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cám ơn!
Theo phunuvietnam.vn
27/1/2021 - ngày làm việc thứ ba của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội làm việc tại hội trường, thảo luận các dự thảo văn kiện. Chiều cùng ngày, đại biểu Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã trình bày tham luận "Quan tâm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội". Báo Phụ nữ Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả toàn văn tham luận.Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội, kính thưa Đại hội!
Trước hết, thay mặt Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tôi xin bày tỏ sự thống nhất cao với báo cáo chính trị và các văn kiện của BCH Trung ương Đảng khóa XII trình tại đại hội, đồng thời thể hiện sự vui mừng khi phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới thể hiện rõ quan điểm đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội nhằm bảo vệ quyền của mỗi người dân. Điều đó khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định chính trị xã hội và sự phát triển ổn định của đất nước.
Để góp phần làm rõ hơn nhiệm vụ này trong thời gian tới, với vai trò là tổ chức đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức phụ nữ, Hội LHPNVN xin được trình bày làm rõ một số vấn đề sau:
Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở đối với lực lượng lao động nữ di cư
Nhà ở cho người dân luôn là một mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước. Với các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, đến nay hầu hết các hộ dân cư đã có nhà để ở. Bên cạnh việc ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có cơ hội được sở hữu nhà ở.
Di cư lao động là xu hướng tất yếu hiện nay, gắn với phát triển và có vai trò nhất định đối với kinh tế - xã hội, nhất là trong việc phân bổ lại nguồn lực lao động quốc gia. Tuy nhiên, từ góc độ an sinh xã hội, đang đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với những lao động di cư từ nông thôn ra thành thị. Kết quả điều tra cho thấy, 13,6% dân số cả nước là người di cư. Trong đó, nữ giới chiếm 55,5%. Hầu hết họ di cư đến làm việc trong các khu công nghiệp, đến thành phố làm các công việc ở khu vực phi chính thức.
Đặc biệt, với những người lao động di cư, nhà ở là vấn đề hết sức bức thiết. Theo một thống kê, khoảng 80% công nhân đang phải thuê nhà ở trong các khu nhà trọ xung quanh các khu công nghiệp; số công nhân được ở trong các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng chiếm tỷ lệ rất thấp.
Để đảm bảo quyền có nơi ở, chỗ ở cho mọi người dân, Nhà nước cần tiếp tục coi trọng vấn đề nhà ở là phúc lợi của người dân để có chính sách đầu tư thỏa đáng, từng bước giải quyết về vấn đề nhà ở cho người dân, trong đó có lực lượng lao động di cư. Đồng thời tạo cơ hội tiếp cận dịch vụ công về giáo dục, y tế cho con em và gia đình phụ nữ khó khăn, lao động nữ di cư.
Về mặt nhận thức, phải coi di cư lao động là vấn đề phát triển, các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, địa phương cần tính tới dân số di cư để có thể đảm bảo các chính sách cho phù hợp.
Thứ hai, việc đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ khi mang thai, sinh con
Việt Nam được LHQ đánh giá hoàn thành sớm hơn 10 năm trong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ gần 89% dân số; 100% người nghèo, người DTTS có thẻ khám chữa bệnh miễn phí; mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, phát triển.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chế độ thai sản của Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ hưởng cao và thời gian nghỉ dài nhất trong khu vực, quyền lợi tương đối rộng. Tuy nhiên, điều đáng nói là diện bao phủ của chế độ thai sản thấp. Thực tế cho thấy, phần lớn phụ nữ không tham gia bảo hiểm y tế do không tham gia lực lượng lao động, là người làm công ăn lương không chính thức hoặc làm công không hưởng lương.
Đặc biệt, trong số hơn 65% dân cư nước ta sống ở nông thôn, trong đó khoảng 48,5% là lao động nữ. Họ có mặt ở hầu hết các công việc của quá trình sản xuất, chế biến, kể cả những công việc nặng nhọc và độc hại... ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài tới sức khoẻ, nhất là sức khoẻ sinh sản nhưng họ hầu như chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ các chế độ thai sản.
Thưa đại hội!
Hiện nay các chính sách liên quan đến mang thai, nuôi con nhỏ chưa vươn tới được đối tượng phụ nữ nông thôn đang làm việc ở các khu vực phi chính thức, không hưởng lương. Mặc dù hệ thống dịch vụ xã hội và chăm sóc y tế cho người dân nông thôn nói chung, phụ nữ nông thôn nói riêng những năm gần đây đã được cải thiện, nhưng nhiều nơi còn thiếu thốn, thời gian nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng của phụ nữ trước và sau khi sinh chưa được quan tâm đúng mức khiến cho sức khoẻ người mẹ và trẻ sơ sinh chưa được đảm bảo.
Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc bản thân khi mang thai, sinh con, tham gia bảo hiểm y tế và đề xuất chính sách cho phụ nữ. Năm 2006, Hội đã chủ trì đề xuất xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật Bình đẳng Giới, trong đó có 2 khoản quy định về vấn đề thai sản của phụ nữ. Sau khi có Luật, Hội tiếp tục đề xuất Chính phủ đã ban hành Nghị định để luật được thực thi hiệu quả.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2015/NĐ-CP về hỗ trợ phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách. Qua đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định cho thấy diện được thụ hưởng chính sách này chưa nhiều.
Thiết nghĩ, việc bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ mang thai, sinh con, đặc biệt là đối với những người chưa được hưởng chính sách bảo hiểm là vấn đề cần quan tâm theo hướng đảm bảo cho phụ nữ có cơ hội, điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là hỗ trợ chế độ thai sản cho phụ nữ.
Hội LHPN Việt Nam trân trọng đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị định 39 để có hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, giúp mọi phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số đều được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, việc đảm bảo an sinh xã hội cho phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ
Thưa Đại hội!
Để chăm lo cho trẻ em - tương lai của đất nước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về vấn đề này.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay chỉ có 28% trẻ em trong nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi đến trường, nguyên nhân có nhiều, trong đó không có nơi để gửi con là một trong những nguyên nhân chủ yếu. Ở những nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất đông lao động nhập cư, hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu. Hơn một nửa số trẻ trong độ tuổi được gửi vào các nhóm lớp tư thục. Ðiều đáng nói là các cơ sở thuộc loại hình này còn rất nhiều nhược điểm và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Từ năm 2015, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020". Tuy nhiên, cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu chính đáng của nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.
Không chỉ ở các khu công nghiệp, không chỉ đối với các gia đình di cư lao động, việc gửi con trẻ ở đâu, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi còn là mối quan tâm chung của rất nhiều gia đình công chức, viên chức ở thành thị... Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần quan tâm thỏa đáng hơn nữa đến vấn đề này.
Thứ tư, việc đảm bảo an sinh xã hội tạo cơ hội có việc làm cho phụ nữ
Thưa Đại hội!
Chiếm tỷ lệ trên 50,23% dân số, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ trong độ tuổi lao động lên đến hơn 66%, cao hơn hẳn so với phần lớn các quốc gia trên thế giới.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra nhiều thách thức cho lao động nữ Việt Nam. Theo báo cáo năm 2019, còn khoảng 79,5% lao động nữ trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo. Đây là nhóm yếu thế trên thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp cao, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp. Những vấn đề đó đã tác động rất nhiều đến cuộc sống gia đình, cơ hội phát triển nghề nghiệp đối với lao động nữ.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, chính sách để đảm bảo nghề cho lao động nói chung, lao động nữ nói riêng qua các chương trình, đề án. Tuy nhiên, các đề án này có thời gian đào tạo ngắn, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, nội dung đào tạo tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mang tính giản đơn, chưa tạo ra thay đổi căn bản để người lao động thích ứng với tình hình mới.
Do vậy, để giúp lao động nữ có cơ hội việc làm, Nhà nước cần đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách đào tạo nghề, có chính sách đào tạo nghề riêng cho phụ nữ, có các chính sách cho phụ nưc, bảo đảm cho nữ có cơ hội lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực, sở trường.
Thưa Đại hội!
Có thể nói, tình hình mới đang tạo ra nhiều cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức cho phụ nữ. Những thách thức ấy, nếu được quan tâm giải quyết sẽ tác động tích cực đến việc cải thiện điều kiện của người phụ nữ trong vai trò người mẹ, người lao động và người công dân.
Thưa Đại hội!
Qua nghiên cứu và từ những vấn đề đặt ra trong thực tiễn, thay mặt cho phụ nữ cả nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trân trọng đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu để hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, phụ nữ nông thôn, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội. Đặc biệt, cần coi đây là nền tảng phúc lợi, là ưu việt mà chế độ xã hội chủ nghĩa mang lại cho mỗi người dân để từng bước quan tâm giải quyết.
Về phần mình, Hội LHPN Việt Nam biểu thị sự quyết tâm và tiếp tục nỗ lực phối hợp các bộ, ngành chức năng cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng, thực hiện các đề án, chương trình, các chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
Xin một lần nữa trân trọng gửi tới các đồng chí lãnh đao Đảng, Nhà nước, các đại biểu dự Đại hội lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc. Xin chúc Đại hội của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cám ơn!