Các Mô hình điển hình >> Văn hóa - Xã hội

Chị Chư “hai giỏi” ở Pá Hu

08/04/2019 04:08:49 Xem cỡ chữ Google
Là cán bộ trẻ, nhưng chị Lý Thị Chư, người dân tộc Mông, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) được người dân địa phương rất quý mến. Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác hội, chị còn tích cực vận động quần chúng, hội viên, góp phần xây dựng hệ thống cơ sở chính trị ở địa phương vững mạnh.

Lãnh đạo Quân khu 2 và tỉnh Yên Bái trò chuyện, động viên chị Lý Thị Chư (thứ hai từ trái sang), tại Đại hội Thi đua Quyết thắng LLVT tỉnh Yên Bái.

Cán bộ “chân đất” bám dân, bám bản

Đến thăm gia đình chị Lý Thị Chư, ở thôn 16, xã Pá Hu (Trạm Tấu, Yên Bái) khi trời nhá nhem tối, chúng tôi thấy anh Thào A Lử, chồng chị vừa chăm sóc hai con nhỏ, vừa tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo. Tiếp chúng tôi, A Lử bảo: “Việc này thường ngày vợ mình vẫn làm, nhưng hôm nay cô ấy bận xuống các khu dân cư vận động chị em ngày mai đưa con đi tiêm chủng mở rộng. Ở vùng cao này, đường vào các bản đi lại khó khăn lắm, chắc cũng như mọi khi, phải tối muộn vợ mình mới về ”. Nhìn cách anh vui vẻ đảm đương việc nhà lúc vợ đi vắng, chúng tôi phần nào hiểu được sự cảm thông, chia sẻ của anh đối với công việc của vợ.

Câu chuyện giữa khách và chủ đang rôm rả, thì chị Chư về. Vẫn đôi chân trần còn lấm lem bùn đất, chị rót nước mời khách và kể cho chúng tôi nghe về mấy bản chị vừa đến, về hoàn cảnh gia đình, những khó khăn, vướng mắc của chị em hội viên, rồi cả những công việc hằng ngày của cán bộ phụ nữ ở một xã vùng cao còn nghèo và rất nhiều khó khăn, như Pá Hu. “Đường vào các bản xa lắm, có bản cách trung tâm xã cả chục cây số, mà chủ yếu là đường đất thôi. Mùa hè còn đỡ, chứ mưa gió thế này thì lầy lội lắm, nên mỗi lần xuống bản vận động chị em, mình cứ chân đất mà đi, vừa nhanh, lại thoải mái...”. Chị Chư cười vui, thanh minh cho “đôi chân trần” của mình.

Trong câu chuyện của chị Chư, chúng tôi được biết, Pá Hu là xã miền núi thuộc diện Chương trình 135 và Đề án 30a của Chính phủ, tỷ lệ đồng bào dân tộc Mông trước đây chiếm hơn 90%. Được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, cuộc sống của người dân Pá Hu từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn có những đổi thay. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn chiếm 70%, một số hộ thiếu đói lúc giáp hạt. Nơi đây cũng tồn tại không ít hủ tục, nhất là trong việc cưới, việc tang. Hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tình trạng nghiện hút, buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy diễn biến phức tạp; một số phụ nữ trong xã nhẹ dạ nghe theo kẻ xấu, xuất cảnh trái phép. Trong 5 năm gần đây, trên địa bàn xã xảy ra hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; nhiều phụ nữ bị kẻ xấu dụ dỗ xuất cảnh trái phép qua bên kia biên giới, một số chị bỏ gia đình, chồng con, quê hương đi tìm miền “đất hứa” đến nay không có tin tức gì...

Nghe chị kể, có lúc giọng nghẹn lại, chúng tôi hiểu, trong lòng chị Chư lúc nào cũng đau đáu suy nghĩ, phải làm gì để giúp đời sống của người dân Pá Hu ngày một khá hơn, từng bước đầy lùi các hủ tục đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của đồng bào; nhất là phải làm sao để giúp đỡ hội viên phụ nữ từng là nạn nhân của nạn buôn người sớm ổn định cuộc sống sau khi trở về địa phương, đồng thời cảnh tỉnh các hội viên khác có ý định đi tìm miền “đất hứa”.

Từ những băn khoăn, trăn trở đó, với trách nhiệm là đảng viên, chiến sĩ dân quân, cán bộ phụ nữ xã, chị Chư thường xuyên tham mưu với cơ quan quân sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể địa phương, tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn tăng cường xuống các thôn, bản “có vấn đề” để tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới bà con. Chị không quản ngại khó khăn, vất vả, nhiều lần “thân gái dặm trường” băng rừng lội suối, tìm đến những bản khó khăn nhất của Pá Hu để giúp đỡ những hội viên từng bị kẻ xấu lừa bán ra nước ngoài.

Tìm lại hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh

Để gặp được nạn nhân của các vụ buôn bán phụ nữ thật không hề đơn giản, bởi phần lớn chị em có tâm lý ngại tiếp xúc, thậm chí xa lánh những người xung quanh, như hai người phụ nữ ở bản Háng Gàng (Pá Hu). Hơn hai năm trước, sau khi thoát khỏi “địa ngục” của những kẻ buôn người, hai chị được đoàn tụ với gia đình trong niềm vui khôn xiết của chồng con. Tưởng rằng sóng gió cuộc đời đã qua, nào ngờ, khi trở về từ bên kia biên giới, các chị phải chịu những ánh mắt kỳ thị, gièm pha của không ít người thân và bà con dân bản. Họ bảo, phụ nữ bỏ chồng, bỏ con, bỏ quê hương mà đi, không xứng đáng là người của bản nữa, khiến các chị hết sức khổ tâm, luôn sống khép mình và cũng chẳng còn tâm trạng nào để làm ăn, trong khi cuộc sống gia đình khốn khó...

Biết được hoàn cảnh đó, Lý Thị Chư nhiều lần tìm đến gia đình các nạn nhân để tuyên truyền, giúp đỡ. Nhưng phần vì e ngại, phần vì lo lắng, không biết chị là người tốt hay kẻ xấu, nên các nạn nhân thường trốn vào rừng. Chị Chư trong lòng day dứt không yên vì có thể nạn nhân lại bỏ nhà ra đi, hoặc cùng quẫn mà nghĩ quẩn. Một mặt, chị kiên trì tìm gặp từng nạn nhân để chia sẻ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và có hướng hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp, đồng thời tranh thủ sự vận động, thuyết phục của các trưởng dòng họ, người có uy tín, tạo điều kiện cho các chị được tham gia các hoạt động ở khu dân cư, từ đó dần vượt qua tự ti, mặc cảm.

Để giúp hội viên yên tâm, gắn bó với bản làng, chị Chư bàn bạc trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã trích một phần quỹ vốn của hội, kết hợp với sự hỗ trợ của địa phương để hỗ trợ các chị về giống cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Là người có kinh nghiệm nuôi gà đẻ, thịt lợn siêu nạc, chị Chư tận tình hướng dẫn hội viên phát triển kinh tế theo mô hình này. Các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, chị sẵn lòng cho vay vốn không tính lãi, đồng thời hỗ trợ con giống đến ngày xuất chuồng; nhờ đó, không ít hội viên đã vươn lên thoát nghèo, trong đó có cả các hội viên từng bị lường gạt vượt biên sang nước ngoài. Khi cuộc sống ổn định, các chị không những hết mặc cảm, mà còn hăng hái tham gia các hoạt động ở thôn bản, xây dựng gia đình hạnh phúc, đồng thời trở thành hạt nhân tích cực trong tuyên truyền, vận động các chị em khác không nghe theo kẻ xấu vượt biên, không tham gia sinh hoạt đạo trái pháp luật và vướng vào các tệ nạn xã hội. 

Ông Mùa A Sùng, Chủ tịch UBND xã Pá Hu, nhận xét: "Chị Chư là người cán bộ, đảng viên giỏi việc nước, đảm việc nhà; năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc tập thể, thường nhận việc khó về mình. Những thành tích của chị trong công tác vận động quần chúng, giúp dân xóa đói giảm nghèo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội địa bàn". Thay cho lời kết bài viết này, chúng tôi xin được trích đánh giá của đồng chí Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái dành cho chị Lý Thị Chư tại Đại hội Thi đua Quyết thắng LLVT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013-2018: “Chị Chư là tấm gương sáng, một cán bộ cơ sở năng nổ, nhiệt tình, giàu lòng nhân ái. Ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn như Pá Hu, những cán bộ cơ sở gần dân, hết lòng vì dân như vậy càng đáng quý, thực sự là chỗ dựa, là công bộc của dân”.

Theo qdnd.vn

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h