Các Mô hình điển hình >> Kinh tế

Hội phụ nữ xã Cảm Ân với công tác giảm nghèo

10/08/2018 10:27:56 Xem cỡ chữ Google
Với nhiều mô hình, cách làm hay những năm qua Hội LHPN xã Cảm Ân, huyện Yên Bình triển khai hiệu quả phong trào “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường” và phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”.

Mô hình trồng dâu nuôi tằm của chị Lương Thị Út thôn Đèo Thao

Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế điển hình của chị em phụ nữ trong xã, chị Hà Thị Loan – Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết “xã Cảm Ân đời sống người dân nói chung còn nhiều khó khăn, toàn xã hiện có 790 hộ dân sinh sống thì có 147 hộ thuộc diện hộ nghèo, trong đó có 62 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, chiếm 42,1% trong tổng số hộ nghèo. Hội đã luôn tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế trọng tâm của xã, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong Ban thường vụ, Ban Chấp hành rà soát số hội viên phụ nữ nghèo, làm chủ hộ để có kế hoạch giúp đỡ. Các nhóm sản xuất được hình thành và phát triển khá hiệu quả như: Nhóm trồng dâu nuôi tằm, sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng, chăn nuôi, sản xuất gạch không nung, cung ứng vật liệu xây dựng...”

Để giúp phụ nữ thoát nghèo thì phải có nguồn lực, Hội đã đẩy mạnh chương trình phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện củng cố kiện toàn các tổ tiết kiệm & vay vốn, tín chấp ủy thác cho 414 hộ hội viên vay vốn với số tiền trên 11,5 tỷ đồng, thông qua 9 tổ tiết kiệm – vay vốn để giúp hội viên phát triển kinh tế. Với mục đích nâng cao kiến thức và khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất Hội thường xuyên phối hợp với khuyến nông hướng dẫn KHKT cho hội viên, phụ nữ với hình thức tổ chức tập huấn chuyển giao thông qua các kỳ sinh hoạt chi, tổ  phụ nữ…

Bên cạnh đó, Hội đã phát động phong trào thi đua “Phụ nữ thực hành tiết kiệm, làm theo lời Bác, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, phong trào đã được tuyên truyền, triển khai sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ và nhận được sự tham gia nhiệt tình của hội viên, với các hình thức tiết kiệm như: Tổ góp vốn xoay vòng, tiết kiệm từ 5.000 đồng/hội viên/tháng… Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm tại các chi hội là 64,5 triệu đồng tạo nguồn vốn tại chỗ giúp 30 hội viên nghèo vay để phát triển kinh tế.   

Toàn xã hiện có 57 mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế, trong đó nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, điển hình như mô hình sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng của chị Nguyễn Thị Thoa tại thôn Tân Yên, với bản tính cần cù, chịu khó, năng động, xác đinh hướng đi đúng, năm 2015 từ  nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội cộng với nguồn tích lũy của gia đình chị đã đầu tư mô hình làm ván bóc và chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu từ 300 – 350 triệu đồng, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 15 -  20 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Đến thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm của chị Lương Thị Út thôn Đèo Thao, từ một gia đình nghèo trong xã, nhờ có nghị lực, dám nghĩ dám làm, quyết tâm phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, đến nay gia đình chị đã khấm khá, các con học hành đầy đủ. Chị cho biết: “Năm 2013, được biết xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên nhiều hộ phụ nữ đã thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm, tôi đã đến xã Tân Đồng tham quan và học hỏi cách trồng dâu nuôi tằm, sau đó tôi đã bàn với gia đình và được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Được tham gia lớp tập huấn trồng dâu nuôi tằm do xã tổ chức, tôi mạnh dạn đầu tư ban đầu trồng 3 sào dâu, sau thời gian thấy đem lại lợi ích kinh tế cao, tôi đã mở rộng diện tích trồng dâu của gia đình lên 15 sào, hàng năm sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng”. . Cùng với chị Út hiện nay ở xã Cảm Ân đã có nhiều chị em học tập phát triển kinh tế với mô hình này, nhờ đó, đời sống hội viên phụ nữ xã không ngừng được cải thiện. Nhiều gia đình chị em trước đây thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nay đã vươn lên thoát nghèo, điển hình như gia đình chị Trần Thị Hợi – thôn Ngòi Cát, chị Lã Thị Thoa – Thôn Tân Lương…

Bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo đến quyền lợi thiết thực của hội viên, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ nhận được sự giúp đỡ của tổ chức Hội… là chương trình hành động của Hội LHPN xã Cảm Ân trong thời gian tới. Với những kết quả đã đạt được trong nhiều năm qua, phong trào phụ nữ xã Cảm Ân đang ngày càng phát triển, hoạt động chất lượng, hiệu quả góp phần không nhỏ vào việc thực hiện toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Hiền

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h