Gia đình - Xã hội >> Văn hóa - Xã hội

Nguyên nhân tiền điện tăng cao và các giải pháp sử dụng tiết kiệm điện trong gia đình mùa nắng nóng

13/05/2021 03:10:17 Xem cỡ chữ Google
Qua thực tiễn tổng kết, mỗi khi mùa hè đến, những ngày thời tiết nắng nóng nhu cầu sử dụng điện, chi phí trả tiền điện của khách hàng hầu hết đều tăng so với thời điểm bình thường. Vậy nguyên nhân đó do đâu? Giải pháp để tiết kiệm điện trong gia đình?

Nguyên nhân dẫn đến tiền điện gia đình tăng cao:

Thứ nhất: Vào thời điểm nắng nóng, mùa hè (thời điểm học sinh nghỉ hè), hầu hết thời gian sử dụng, số lượng các thiết bị tiêu thụ điện đều tăng lên so với ngày bình thường (như điều hoà, quạt điện, tivi...).

- Thời tiết mát, hầu hết các hộ gia đình không dùng quạt/Điều hòa hoặc dùng rất ít thời gian trong ngày.

- Thời tiết nóng, chiếc quạt/Điều hòa đó được sử dụng (được bật) nhiều thời gian (nhiều giờ) so với ngày mát.

Điều này minh chứng cho việc, hộ gia đình không tăng thêm thiết bị điện sử dụng nhưng tăng thời gian sử dụng dẫn đến tăng sản lượng tiêu thu, hóa đơn tiền điện sẽ tăng.

Thứ hai: Khi nhu cầu sử dụng điện tăng, số lượng điện tiêu thụ tăng, theo đó hoá đơn tiền điện cho sinh hoạt sẽ tăng theo bởi giá bán điện tăng theo bậc thang (ví dụ khi sử dụng dưới 50 kWh thì giá là 1.678 đ/kWh; khi tiêu thụ trên 400 kWh/tháng thì giá bán là 2.927 đ/kWh) .

Thứ ba: Do ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường, công trình kiến trúc, không gian sử dụng thiết bị điện, đặc tính của thiết bị điện... có tác động rất nhiều đến việc tiêu hao công suất sử dụng điện (ví dụ: Hấp thụ nhiệt của bê tông, tường xây, hiệu ứng nhà kính, thiếu cây xanh, thiết bị lắp đặt chưa có công nghệ tiết kiệm điện,…).Theo phân tích, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 01độ C thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa không khí (máy lạnh) có thể tăng từ 2-3%, nhiệt độ tăng khoảng 05 độ C thì điện năng tiêu thụ có thể tăng thêm khoảng 10%.

Thứ tư: Các thiết bị điện không được kiểm tra vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, trong quá trình sử dụngchưa quan tâm đến những tiêu hao có công suất nhỏnhư: chỉ tắt thiết bị bằng điều khiển, hay bật tắt thiết bị không hợp lý....

Thứ năm: Một số nguyên nhân khác dẫn đến tiền điện tăng như: Thiết bị tiêu thụ điện (bình nóng lạnh), dây dẫn sau công tơ,…bị hở dò điện, bị câu móc trộm từ dây sau công tơ, số ít trường hợp xảy ra là đọc sai, ghi nhầm chỉ số công tơ.

Giải pháp sử dụng tiết kiệm điệntrong gia đình mùa nắng nóng

1. Khi mua mới hoặc thay thế thiết bị điện (điều hoà, tủ lạnh....) trong gia đình:

- Các hộ gia đìnhcần lựa chọn công nghệ sử dụng inverter, cácthiết bị có dán nhãn tiết kiệm năng lượng đến5 sao (Nhiều sao hơn sẽ tiết kiệm hơn - Bộ Công Thương quy định), các loại đèn chiếu sáng cóhiệu suất cao như đèn LED.

- Cần có sự tư vấn của các nhân viên kỹ thuật (hoặc gọi tổng đài19006769) trước khi mua sắm hoặc lắp đặt để đảm bảo dây dẫn không bị quá tải, vị trí lắp đặt và công suất thiết bị phù hợp với không gian. Ví dụ,khi mua sắm lắp đặt điều hoà mới:

+ Lựa chọn công suất điều hòa phù hợp với căn phòng, theo kinh nghiệm thì cứ1000 BTU sẽ làm mát tốt với 3-5 m3, nếu phòng diện tích 20m2, chiều cao khoảng 3 m thì thể tích là: (20*3) 60 m3, ta có thể chọn điều hòa có công suất là 60/5 = 12.000 BTU, còn đối với phòng khách do có nhiều đồ dùng và hay mở cửa dẫn đến thoát nhiệt thì ta nên chọn loại 18.000 BTU.

2. Khi sử dụng Điều hoà không khí:

- Đối với máy điều hòa, khi nhiệt độ ngoài trời càng cao thì máy điều hòa càng tiêu tốn điện năng, cho nên cần đặt nhiệt độ điều hoà chênh lệch hợp lý so với nhiệt độ ngoài trời, bởi cứ giảm 01 độC so với ngoài trời thì điều hoà tiêu tốn thêm khoảng (2- 3%) điện năng.

- Khi lắp đặt chọn vị trí đặt dàn nóng ở chỗ mát, dàn nóng ở càng gần dàn mát càng tốt, không nên để hai dàn chênh lệch về độ cao nhiều. Dàn lạnh nên để ở vị trí không dễ bị thất thoát nhiệt.

- Không được bật tắt điều hòa nhiều lần, hoặc ngay ban đầu theo thói quen đặt nhiệt độ xuống quá thấp, nên điều chỉnh nhiệt độ hợp lý khoảng(26 - 28 độ C) và để chế độ quạt tự động hoặc vừa phải.

- Khi sử dụng điều hoà phải hạn chế mở cửa ra vào, cần có rèm che không cho nắng vào phòng, không sử dụng thiết bị sinh nhiệt, sắp xếp đồ dùng không cản hướng của điều hoà, kết hợp với sử dụng quạt để không khí lưu thông tốt hơn.

- Khi tắt điều hoà phải tắt hẳn nguồn điện vào, nếu chỉ tắt điều hòa bằng điều khiển từ xa, điều hòa vẫn tiêu thụ khoảng 15W điện chờ.

- Thường xuyên vệ sinh những lớp bụi bẩn bám trên màng lọc không khí ở dàn lạnh (lắp trong nhà) ít nhất 6 lần/năm, bảo dưỡng máy ít nhất một lần/năm, hiệu quả làm mát nhanh hơn và đặc biệt tiêu hao ít điện năng hơn.

3. Khi sử dụng Tủ lạnh:

- Lựa chọn tủ lạnh có dung tích phù hợp với nhu cầu.

- Sắp sếp đồ tủ lạnh gọn gàng tránh che cửa quạt gió của tủ lạnh.

- Đặt chế độ nhiệt độ mức vừa phải phù hợp với nhu cầu.

- Hạn chế đóng mở tủ lạnh nhiều lần và mở quá lâu.

- Không để thức ăn nóng vào tủ lạnh.

- Thường xuyên vệ sinh kiểm tra độ kín của cửa tủ lạnh.

- Không đặt tủ lạnh quá sát tường, vách ngăn (mặt phía sau và 2 bên cần cách ít nhất 10cm).

4. Khi sử dụng bình nóng lạnh:

- Chọn dung tích bình nóng lạnh phù hợp với nhu cầu sử dụng, nếu chọn bình nóng lạnh có dung tích càng lớn thì càng tiêu hao nhiều điện năng tiêu thụ, ví dụ như gia đình có 4 người và 2 phòng tắm thì nên lắp loại bình 20 lít là vừa đủ.

- Chỉ khi nào có nhu cầu sử dụng mới bật bình nóng lạnh, nếu bật 24/24 không chỉ bình sẽ bị quá tải gây tốn điện mà còn nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng, chỉ nên bật bình từ 30 – 45 phút trước khi tắm. Cách an toàn lại tiết kiệm điện nhất là bật bình cho sôi một lần rồi ngắt điện trước khi sử dụng.

- Hạ nhiệt độ làm nóng nước cho bình điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm điện, cứ giảm đi 5 độ C thì có thể tiết kiệm được 3 đến 5% tiền điện mà bình nóng lạnh hao tốn hàng tháng.

- Thường xuyên kiểm tra và bảo trì bình nóng lạnh, có thể kiểm tra bình nóng lạnh bằng cách đơn giản là dùng bút thử điện để thử vào đường ống nước hoặc trực tiếp vào nước, từ đó giúp phát hiện sự cố sớm để giải quyết kịp thời, tiết kiệm chi phí và hạn chế xảy ra tai nạn nguy hiểm khi dò điện.

5. Lắp đặt hệ thống Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN):

- Điện mặt trời áp mái nhà sử dụng các tấm pin năng lượng, hấp thụ ánh sáng mặt trời tạo ra nguồn điện, khi khách hàng lắp đặt, khách hàng sẽ sử dụng điện trực tiếp từ hệ thống điện mặt trời đã lắp đặt và không lo chi phí tiền điện từ lưới, giảm đáng kể tiền điện phải thanh toán cho ngành điện.

- Nguồn điện năng thừa mà khách hàng không dùng đến, khách hàng có thể bán lại cho ngành điện và có thêm khoản thu hồi vốn đầu tư công trình.

- Khi lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà có thêm một lớp chống nóng và đảm bảo ngôi nhà sẽ mát hơn nhiều so với khi không có hệ thống điện Pin năng lượng mặt trời; Sẽ không phải dùng nhiều thiết bị làm mát khi ngôi nhà mát hơn.

Theo EVNNPC

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h