Duyên dáng, nữ tính trong bộ váy đen áo cỏm mà lại cũng mạnh mẽ, tự tin trong thế ngắm, ánh mắt cùng cây nỏ - hình ảnh những người phụ nữ Thái như thế đã trở nên quen thuộc trong các dịp thi đấu thể thao ở thị xã Nghĩa Lộ, vẽ thêm vẻ đẹp khác của phụ nữ Thái nơi đây khi đến với một môn thể thao truyền thống của dân tộc mình.
Chị Lường Thị Mừng (giữa) luyện tập cho hai em gái trước giờ thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao thị xã Nghĩa Lộ lần thứ V - năm 2017.
Chị Lò Thị Tuyên ở bản Pá Khết, phường Trung Tâm là người từng rất nhiều lần thi đấu môn bắn nỏ trong các hoạt động thể thao quần chúng ở thị xã Nghĩa Lộ. Chị chia sẻ: "Từ xa xưa, cây nỏ vốn rất quen thuộc với mỗi gia đình người Thái. Hầu như gia đình nào cũng có một cây nỏ để đi săn bắn hay đối phó với thú dữ. Trước đây, thường chỉ có đàn ông là dùng nỏ nhưng rồi dần chị em phụ nữ chúng tôi cũng tìm đến với cây nỏ để rèn luyện một môn thể thao. Như bản thân tôi học bắn nỏ từ lúc còn tuổi thanh niên, tính ra đến nay có đến mấy chục năm gắn bó với cây nỏ rồi".
Giờ đây, chị Tuyên không còn tham gia thi đấu nữa nhưng chị vẫn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em khác cùng chung niềm yêu thích với mình.
Nhắc tới những phụ nữ Thái gắn bó với cây nỏ ở thị xã Nghĩa Lộ không thể nào không nhắc tới ba chị em gái Lường Thị Mừng, Lường Thị Ánh, Lường Thị Nhe ở tổ Ao Sen 1, phường Tân An. Hình ảnh ba chị em gái này cùng tham gia thi đấu bắn nỏ đã rất quen thuộc với nhiều người trong các hoạt động thể thao quần chúng các cấp ở thị xã nhiều năm nay.
Chị Lường Thị Mừng cho hay, chị cũng bắt đầu tham gia bắn nỏ và đi thi đấu bắn nỏ từ hồi còn trẻ. Càng tham gia thi đấu chị càng yêu thích môn thể thao này hơn. Cũng chính vì niềm yêu thích đó, chị đã truyền dạy cho hai người em gái của mình tinh thần thể thao với cây nỏ.
Ba chị em gái này đã cùng nhau tham gia thi đấu bắn nỏ rất nhiều lần, nhất là trong các dịp đại hội thể dục thể thao cấp thị xã và cả cấp tỉnh, cũng từng nhiều lần giành được huy chương, trong đó có cả huy chương Vàng.
Chị Mừng còn từng tham gia thi đấu Đại hội Thể dục thể thao dân tộc toàn quốc. Chị Mừng chỉ mới thôi tham gia thi đấu bắn nỏ từ 5 năm trước, khi đã ở tuổi 45. Nhưng đến nay, chị vẫn truyền cảm hứng và tinh thần thể thao cho hai người em của mình tiếp tục tham gia thi đấu các giải thể thao.
Chị Mừng chia sẻ: "Luyện tập môn bắn nỏ này cơ bản nhất là rèn luyện cho mình đôi mắt tinh nhanh. Hơn nữa, cũng là để giữ gìn một môn thể thao truyền thống của dân tộc mình không bị mai một, đó cũng chính là giữ một nét văn hóa của dân tộc". Để luyện tập môn bắn nỏ không phải là không có những vất vả.
Chị Lường Thị Nhe cho hay: "Có đợt phải luyện tập dài ngày để chuẩn bị cho thi đấu. Mỗi ngày luyện tập không biết chúng tôi phải lên dây nỏ bao nhiêu lần khiến cơ bụng tím, đau và hai tay cũng mỏi nhừ. Không những vậy, có nhiều lần chị em tôi sơ sểnh giữ tay không được chắc trong lúc bắn làm giật nỏ tím cả mắt. Tuy có những lúc phải chịu đau đớn vì luyện tập, thi đấu nhưng chị em tôi vẫn rất yêu thích môn thể thao này".
Niềm yêu thích với môn bắn nỏ giờ đây vẫn tiếp tục được lan truyền trong lớp trẻ với nhiều gương mặt trẻ xuất hiện trong mỗi dịp thi đấu thể thao. Là học sinh lớp 12, thi đấu cho Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ mà mình đang theo học tại Đại hội Thể dục thể thao thị xã năm 2017, Vì Thị Thúy Phương ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An đã đạt số điểm khá cao dù đây là lần đầu tiên em đi thi đấu.
Thúy Phương hào hứng chia sẻ: "Em được anh trai dạy cho cách bắn nỏ. Dần dần, em càng thấy thêm yêu thích. Em cũng không nghĩ mình có thể đạt được số điểm cao như vậy ngay trong lần thi đấu đầu tiên này. Điều này sẽ càng cho em có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với môn thể thao này".
Còn Vì Thị Liến ở thôn Nậm Đông 1, xã Nghĩa An, năm nay 20 tuổi, cũng lần đầu tiên tham gia thi đấu bắn nỏ tại một kỳ đại hội thể dục thể thao cấp thị xã cũng cho biết: "Em được các cô, các bác trong bản dạy cho cách bắn nỏ. Luyện tập bắn nỏ cho em cảm giác mạnh mẽ, tự tin hơn rất nhiều. Chắc chắn em sẽ tiếp tục gắn bó với môn thể thao này".
Gắn bó với bắn nỏ như vậy cũng chính là một cách để những người phụ nữ Thái nơi đây vừa rèn luyện sức khoẻ vừa giữ gìn một nét văn hoá dân tộc mình.
Theo Báo Yên Bái
Duyên dáng, nữ tính trong bộ váy đen áo cỏm mà lại cũng mạnh mẽ, tự tin trong thế ngắm, ánh mắt cùng cây nỏ - hình ảnh những người phụ nữ Thái như thế đã trở nên quen thuộc trong các dịp thi đấu thể thao ở thị xã Nghĩa Lộ, vẽ thêm vẻ đẹp khác của phụ nữ Thái nơi đây khi đến với một môn thể thao truyền thống của dân tộc mình.Chị Lò Thị Tuyên ở bản Pá Khết, phường Trung Tâm là người từng rất nhiều lần thi đấu môn bắn nỏ trong các hoạt động thể thao quần chúng ở thị xã Nghĩa Lộ. Chị chia sẻ: "Từ xa xưa, cây nỏ vốn rất quen thuộc với mỗi gia đình người Thái. Hầu như gia đình nào cũng có một cây nỏ để đi săn bắn hay đối phó với thú dữ. Trước đây, thường chỉ có đàn ông là dùng nỏ nhưng rồi dần chị em phụ nữ chúng tôi cũng tìm đến với cây nỏ để rèn luyện một môn thể thao. Như bản thân tôi học bắn nỏ từ lúc còn tuổi thanh niên, tính ra đến nay có đến mấy chục năm gắn bó với cây nỏ rồi".
Giờ đây, chị Tuyên không còn tham gia thi đấu nữa nhưng chị vẫn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em khác cùng chung niềm yêu thích với mình.
Nhắc tới những phụ nữ Thái gắn bó với cây nỏ ở thị xã Nghĩa Lộ không thể nào không nhắc tới ba chị em gái Lường Thị Mừng, Lường Thị Ánh, Lường Thị Nhe ở tổ Ao Sen 1, phường Tân An. Hình ảnh ba chị em gái này cùng tham gia thi đấu bắn nỏ đã rất quen thuộc với nhiều người trong các hoạt động thể thao quần chúng các cấp ở thị xã nhiều năm nay.
Chị Lường Thị Mừng cho hay, chị cũng bắt đầu tham gia bắn nỏ và đi thi đấu bắn nỏ từ hồi còn trẻ. Càng tham gia thi đấu chị càng yêu thích môn thể thao này hơn. Cũng chính vì niềm yêu thích đó, chị đã truyền dạy cho hai người em gái của mình tinh thần thể thao với cây nỏ.
Ba chị em gái này đã cùng nhau tham gia thi đấu bắn nỏ rất nhiều lần, nhất là trong các dịp đại hội thể dục thể thao cấp thị xã và cả cấp tỉnh, cũng từng nhiều lần giành được huy chương, trong đó có cả huy chương Vàng.
Chị Mừng còn từng tham gia thi đấu Đại hội Thể dục thể thao dân tộc toàn quốc. Chị Mừng chỉ mới thôi tham gia thi đấu bắn nỏ từ 5 năm trước, khi đã ở tuổi 45. Nhưng đến nay, chị vẫn truyền cảm hứng và tinh thần thể thao cho hai người em của mình tiếp tục tham gia thi đấu các giải thể thao.
Chị Mừng chia sẻ: "Luyện tập môn bắn nỏ này cơ bản nhất là rèn luyện cho mình đôi mắt tinh nhanh. Hơn nữa, cũng là để giữ gìn một môn thể thao truyền thống của dân tộc mình không bị mai một, đó cũng chính là giữ một nét văn hóa của dân tộc". Để luyện tập môn bắn nỏ không phải là không có những vất vả.
Chị Lường Thị Nhe cho hay: "Có đợt phải luyện tập dài ngày để chuẩn bị cho thi đấu. Mỗi ngày luyện tập không biết chúng tôi phải lên dây nỏ bao nhiêu lần khiến cơ bụng tím, đau và hai tay cũng mỏi nhừ. Không những vậy, có nhiều lần chị em tôi sơ sểnh giữ tay không được chắc trong lúc bắn làm giật nỏ tím cả mắt. Tuy có những lúc phải chịu đau đớn vì luyện tập, thi đấu nhưng chị em tôi vẫn rất yêu thích môn thể thao này".
Niềm yêu thích với môn bắn nỏ giờ đây vẫn tiếp tục được lan truyền trong lớp trẻ với nhiều gương mặt trẻ xuất hiện trong mỗi dịp thi đấu thể thao. Là học sinh lớp 12, thi đấu cho Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ mà mình đang theo học tại Đại hội Thể dục thể thao thị xã năm 2017, Vì Thị Thúy Phương ở bản Đêu 2, xã Nghĩa An đã đạt số điểm khá cao dù đây là lần đầu tiên em đi thi đấu.
Thúy Phương hào hứng chia sẻ: "Em được anh trai dạy cho cách bắn nỏ. Dần dần, em càng thấy thêm yêu thích. Em cũng không nghĩ mình có thể đạt được số điểm cao như vậy ngay trong lần thi đấu đầu tiên này. Điều này sẽ càng cho em có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với môn thể thao này".
Còn Vì Thị Liến ở thôn Nậm Đông 1, xã Nghĩa An, năm nay 20 tuổi, cũng lần đầu tiên tham gia thi đấu bắn nỏ tại một kỳ đại hội thể dục thể thao cấp thị xã cũng cho biết: "Em được các cô, các bác trong bản dạy cho cách bắn nỏ. Luyện tập bắn nỏ cho em cảm giác mạnh mẽ, tự tin hơn rất nhiều. Chắc chắn em sẽ tiếp tục gắn bó với môn thể thao này".
Gắn bó với bắn nỏ như vậy cũng chính là một cách để những người phụ nữ Thái nơi đây vừa rèn luyện sức khoẻ vừa giữ gìn một nét văn hoá dân tộc mình.